Tăng động, giảm chú ý là bệnh gì?
Rối loạn tăng động, giảm chú ý là một bệnh lý rối loạn phát triển thần kinh có đặc trưng là sự không tập trung chú ý, hoặc sự hiếu động và bốc đồng quá mức so với độ tuổi của người bệnh. Rối loạn này thường gặp ở trẻ từ 3 đến 12 tuổi, bé trai nhiều hơn bé gái.
Nguyên nhân:
Di truyền: Rối loạn tăng động, giảm chú ý có tính chất di truyền trong nhiều gia đình ( Ví dụ: Cha hoặc mẹ bị mắc rối loạn tăng động, giảm chú ý thì nguy cơ con họ mắc bệnh này là 50%,...)
Môi trường: Trong thời kỳ mang thai hay trẻ từ khi còn nhỏ đã tiếp xúc thường xuyên với chì, thuốc diệt côn trùng, thuốc lá, rượu, ma tuý,....
Những bất thường hoặc những tổn thương não bộ: tỷ lệ mắc rối loạn tăng động, giảm chú ý cao hơn ở những trẻ bị viêm não, màng não, chấn thương não bộ trong quá trình sinh nỡ, ngạt sau sinh, những trẻ sinh thiếu tháng,...
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị tăng động, giảm chú ý:
Giảm chú ý:
- Trẻ không thể tập trung, chú ý khi được thầy cô hay cha mẹ hướng dẫn trong công việc hay học tập.
- Hay mắc các lỗi sai khi làm bài tập, công việc hay hoạt động khác.
- Trẻ khó khăn khi tham gia hoạt động hay trò chơi cần sự tập trung.
- Trẻ dễ bị phân tâm bởi môi trường xung quanh, quên đi công việc đang làm.
- Trẻ thường lơ đãng khi người khác nói chuyện với mình.
- Trẻ hay đánh mất đồ chơi, dụng cụ học tập,...
- Trẻ khó khăn trong việc tổ chức, sắp sếp thời gian biểu, không nỗ lực lâu dài và dễ bỏ cuộc.
Tăng động:
- Trẻ không thể ngồi yên trên ghế hay rời vị trí ở trong lớp và ở những nơi cần ngồi yên.
- Chạy nhảy, leo trèo quá mức, kể cả những nơi không được cho phép và có thể gây nguy hiểm.
- Khó khăn trong việc tuân thủ luật lệ trò chơi hoặc hoạt động khác, khó chịu trong việc phải chờ tới lượt mình.
- Vận động liên tục không biết mệt mỏi.
Xung động/ bốc đồng:
- Trẻ dễ bốc đồng, cáu gắt, nóng nảy, không thể kiềm chế cảm xúc bản thân khi gặp việc không vừa lòng.
- Trẻ nói nhiều, nói những câu vô nghĩa, hay ngắt lời người khác, hay trả lời trước khi nghe hết câu hỏi,...
Cần làm gì khi biết trẻ bị tăng động, giảm chú ý?
- Cần sớm đưa trẻ đến khám đúng chuyên khoa để có được sự tư vấn cũng như có phương pháp điều trị thích hợp cho trẻ.
- Bên cạnh đó cha, mẹ là người thầy thuốc cũng như là người bạn thân bên con, giúp con có thể hồi phục tốt nhất, vì vậy phụ huynh nên:
+ Có sự thưởng phạt hợp lý khi trẻ làm tốt hay phạm lỗi, tránh la mắng trẻ, để từ đó giúp trẻ có thêm động lực cố gắng làm điều đúng đắn.
+ Xây dựng thời gian biểu cho từng công việc cho bé và yêu cầu bé thực hiện.
+ Dành thời gian tâm sự, vui chơi cùng con, khuyến khích con tham gia các hoạt động tập thể.
+ Có chế độ ăn phù hợp để giúp trẻ có thể phát triển toàn diện cả thể chất lẫn tinh thần.