Lo âu là trạng thái lo lắng chủ quan hoặc sợ đối với các tình huống trong đời sống.
+ Lo âu bình thường: là trạng thái phù hợp với tình huống trong cuộc sống (Ví dụ: học sinh sắp phải thi cử, sắp phải trải qua các sự kiện lớn trong cuộc đời,...) và trạng thái này sẽ mất đi khi tình huống đã được giải quyết.
+ Lo âu bệnh lý: là trạng thái lo lắng hay sợ một cách quá mức hay thậm chí là lo lắng một cách vô lý và dai dẳng trong các tình huống không phù hợp với sự lo âu đó và nó làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh (Ví dụ: một chiếc lá rơi cũng làm bạn lo sợ, sợ gặp người lạ, lo sợ khi thay đổi môi trường sống, sợ mắc bệnh nặng, nghe tiếng điện thoại reo cũng sợ, sợ bàn tay dơ phải rửa tay liên tục...)
Các bệnh lo âu bao gồm: lo âu lan toả, cơn hoảng loạn, sợ xã hội, sợ khoảng rộng, ám ảnh sợ chuyên biệt. Bài viết này chúng tôi nói về rối loạn lo âu lan toả.
Nguyên nhân:
Rối loạn lo âu lan toả đến nay vẫn chưa có nguyên nhân chính gây ra tình trạng này, nhưng vẫn có các yếu tố nguy cơ dễ dẫn đến mắc rối loạn lo âu hơn người khác:
+ Môi trường, xã hội: stress, môi trường sống, môi trường làm việc căng thẳng,... là nguyên nhân thúc đẩy bệnh xuất hiện, thường là những sang chấn tâm lý xã hội đời thường, tuy nhẹ nhưng thường kéo dài.
+ Cơ thể: Bệnh lý nội khoa trong cơ thể (cường giáp, bệnh lý tim mạch,...), sử dụng chất (caffeine, rượu, chất gây nghiện,..), sử dụng thuốc, cũng là những nguyên nhân thúc đẩy dễ bị rối loạn lo âu.
+ Di truyền: tuy vẫn chưa có nghiên cứu chính xác nhưng những người có người thân, cha hoặc mẹ có tiền sử mắc các bệnh về tâm lý thì con cái cũng có nguy cơ cao mắc bệnh này.
Triệu chứng
Các triệu chứng hay gặp của rối loạn lo âu lan toả:
+ Lo âu hoặc lo sợ quá mức, tình trạng này trong thời gian dài nhiều tuần, nhiều tháng và gây nên căng thẳng, khó chịu cho người bệnh.
+ Dễ mệt mỏi, cảm giác không nghỉ ngơi được.
+ Bồn chồn không yên, bứt rứt, khó chịu.
+ Dễ bị kích thích, dễ cáu gắt.
+ Rối loạn giấc ngủ (khó vào giấc, khó duy trì giấc ngủ, mất ngủ hoặc ngủ không thoải mái.)
+ Căng cơ, dễ đau nhức cơ
+ Kém tập trung, hay cảm giác đầu óc trống rỗng.
+ Ăn uống không ngon, hay đau dạ dày, dễ sụt cân.
* Khi có nghi ngờ mắc bệnh, bạn cần tìm đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần kinh – Bệnh viện chuyên khoa 27 tháng 2 để được tư vấn và điều trị.
Ảnh: Bác sĩ đang khám và tư vấn cho người bệnh