NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH BẠCH BIẾN
Ngày đăng: 14/07/2025
10:07:14
Bạch biến là bệnh da liễu thường gặp, biểu hiện đặc trưng là xuất hiện các mảng mất sắc tố (mảng màu trắng) trên da, bệnh không gây đau hay ngứa. Đây là kết quả từ việc mất chức năng của các tế bào hắc tố hay còn được gọi là các tế bào tạo màu sắc của da. Bạch biến là bệnh lành tính, không lây nhưng gây ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Hình 1. Hình ảnh bệnh nhân mắc bạch biến thể phân đoạn (Nguồn: Bolognia)
Bạch biến là một rối loạn nhiều yếu tố liên quan cả di truyền và không di truyền. Nhiều gen được tìm thấy có liên quan trong việc tạo nên các tế bào sắc tố nhạy cảm. Khi các yếu tố môi trường như: các hóa chất chứa phenol, catechol trong chất nhuộm, keo dính,…và đáp ứng quá mức của hệ miễn dịch tác động lên các tế bào sắc tố nhạy cảm làm cho các tế bào này bị phá hủy hoặc mất chức năng.
Bạch biến được phân loại thành 2 thể là thể tại chỗ và thể lan tỏa

Hình 2. Phân loại bạch biến (Nguồn: Bolognia)
Hầu hết bệnh nhân bạch biến đều khỏe mạnh, nhưng đối với bạch biến thể lan tỏa có thể liên quan đến một số bệnh tự miễn khác, đặc biệt ở bệnh nhân có tiền sử gia đình mắc bạch biến và các dạng tự miễn khác. Trong đó, bệnh tuyến giáp tự miễn chiếm 15% ở người lớn và 5-10% trẻ em mắc bạch biến, các bệnh khác ít liên quan hơn bao gồm: thiếu máu ác tính, lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp, đái tháo đường phụ thuộc insulin ở người lớn,…
Điều trị bạch biến hiện nay tập trung vào hai mục tiêu là ngăn quá trình mất sắc tố và tái tạo sắc tố.

Hình 3. Kết quả sau 5 tháng điều trị bạch biến bằng phương pháp chiếu UVB phổ hẹp (Nguồn: JAAD)
- Các phương pháp chống oxy hoá như: chống nắng (bằng cách che chắn hay thoa kem chống nắng), các viên uống bổ sung các chất chống oxy hóa được áp dụng nhằm giảm stress oxy hoá lên tế bào sắc tố.
- Việc sử dụng các loại thuốc thoa và thuốc giúp giảm phản ứng miễn dịch tự miễn chống lại tế bào sắc tố.
- Đồng thời, các biện pháp như phẫu thuật ghép tế bào sắc tố góp phần phục hồi sắc tố cho bệnh nhân.
- Song song đó phối hợp cùng các liệu pháp ánh sáng như UVB phổ hẹp, laser CO2 fractional, laser excimer (bước sóng 308nm),… giúp kiểm soát và cải thiện tình trạng bệnh hiệu quả hơn.
- Bên cạnh đó các phương pháp điều trị nhằm làm giảm sự tương phản giữa vùng da bệnh và da lành như: trang điểm, xăm thẩm mỹ, kết hợp với liệu pháp tâm lý cũng giúp người bệnh nâng cao chất lượng cuộc sống.
- Tầm soát một số bệnh lý tự miễn ở bệnh nhân bạch biến lan tỏa để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
BS. Tri Thị Ánh Tuyết