MỘT SỐ BỆNH DA MÙA MƯA LŨ
Ngày đăng: 16/07/2021 00:07:00
Vào mùa mưa lũ, môi trường sống thường xuyên bị ngập úng, ô nhiễm, tạo điều kiện cho các loài kí sinh trùng, vi khuẩn có cơ hội sinh sôi và hoạt động mạnh. Khi bị xâm nhập làn da rất dễ bị tổn thương, viêm nhiễm dẫn tới các bệnh da liễu.

1. Bệnh da nhiễm trùng

       Nhiễm trùng da do vi khuẩn và nấm là bệnh da thường gặp nhất sau đợt lũ. Nguy cơ nhiễm trùng tăng lên sau các chấn thương da và ở những người mắc bệnh mãn tính như: tiểu đường, suy tĩnh mạch mãn tính và suy giảm miễn dịch.

Nhiễm nấm da

       Bệnh thường xảy ra vào mùa mưa vì quần áo dễ ẩm ướt khiến những vùng da vốn kém thông thoáng (bẹn, kẽ ngón chân) trở nên nóng ẩm hơn, là môi trường thuận lợi vi nấm phát triển.

       Bệnh gây ngứa nhiều, trên da xuất hiện những mảng da đỏ, tróc vảy, diễn tiến lan rộng dần, có thể gây trợt da, rỉ dịch, nhiễm trùng, nếu không điều trị kịp thời.

Hình 1. Hình ảnh nấm bẹn

         Nhiễm trùng da do vi khuẩn

            Biểu hiện của nhiễm trùng da là da sưng nóng, đỏ, đau, chảy nước, có thể có mủ, loét da. Vết thương có thể đóng mài vàng hoặc nâu, viêm xung quanh.

Hình 2. Tổn thương nhiễm trùng do vi khuẩn

          Bệnh ghẻ

            Bệnh da gây ra bởi ký sinh trùng Sarcoptes scabiei (còn gọi là cái ghẻ). Biểu hiện trên da với các nốt đỏ, mụn nước ở các vùng nếp kẽ như: lòng bàn tay, kẽ tay, nách, bụng, vùng sinh dục, …và ngứa rất nhiều về đêm, bệnh ghẻ có tính lây nhiễm cao nên nhiều người trong cùng gia đình có thể bị bệnh. Bệnh gây ngứa rất nhiều, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày.

Hình 3. Tổn thương mụn nước ở bàn tay do ghẻ

2. Viêm da tiếp xúc

         Viêm da tiếp xúc xảy ra khi da tiếp xúc với các hóa chất có trong nước mưa, tiếp xúc với dịch tiết của côn trùng (kiến ba khoang, bướm đục thân lúa), việc sử dụng các chất sát khuẩn, tẩy rửa thường xuyên cũng làm tăng nguy cơ viêm da tiếp xúc ở những người có cơ địa dị ứng từ trước.

        Biểu hiện là các dát đỏ, sưng nề, mảng mụn nước, mụn mủ, gây ngứa và khó chịu nhiều cho người bệnh.

Hình 4. Tổn thương viêm da tiếp xúc vùng cổ tay

PHÒNG NGỪA

- Vệ sinh môi trường sống, đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch.

- Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các nguồn nước bẩn, các nguồn nước tù đọng lâu ngày.

- Mang các dụng cụ bảo hộ nếu bạn phải đi vào vùng nước ngập.

- Tránh tiếp xúc với nước lũ nếu bạn có vết thương hở.

- Rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước sạch.

- Nếu vết thương bị mẩn đỏ, sưng tấy hoặc chảy dịch, nên đến khám tại cơ sở y tế gần nhất để được điều trị bệnh.

Tin: Tri Thị Ánh Tuyết

Tài liệu tham khảo: Bệnh da thường gặp sau mưa lũ, Ths.Bs Nguyễn Thị Thảo Nhi (BV Da liễu Trung Ương)

Ảnh: sưu tầm

ĐĂNG KÝ KHÁM BỆNH

(Người bệnh có thể dùng điện thoại quét mã QR Code trên ảnh để Đăng ký khám bệnh)

Văn bản mới

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 2
  • Hôm nay: 35
  • Trong tuần: 3254
  • Tất cả: 1635130