ĐIỀU TRỊ DỰ PHÒNG TRƯỚC PHƠI NHIỄM HIV (PREP)
Ngày đăng: 16/07/2021 00:07:00

PrEP là gì?

-         PrEP được viết tắt của cụm từ Pre-Exposure Prophylaxis - điều trị dự phòng trước phơi nhiễm, cho các cá nhân chưa bị nhiễm HIV (HIV âm tính) và có nguy cơ lây nhiễm HIV cao.

-         PrEP giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV trong cơ thể bằng cách ngăn cản sự phát triển chất xúc tác sinh học (enzim) là chất mà HIV dùng để tạo ra các bản sao virus mới.

Ảnh 1. Chương trình PrEP

Ai có thể dùng PrEP?

PrEP được chứng minh rất hiệu quả với các nhóm đối tượng sau:

- Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM)

- Người chuyển giới nữ (TGW)

- Phụ nữ bán dâm

- Người tiêm chích ma túy

- Bạn tình của người nhiễm HIV mà người nhiễm HIV đó chưa điều trị ARV hoặc điều trị ARV nhưng tải lượng HIV chưa đạt dưới ngưỡng phát hiện vi rút (vẫn còn trên 200 bản sao/ml máu)

Tại sao nên dùng PrEP?

-         PrEP rất có hiệu quả trong việc phòng ngừa lây nhiễm HIV. Trên thực tế chưa có trường hợp MSM nào trên thế giới bị nhiễm HIV trong khi đang sử dụng PrEP. Việc lây nhiễm HIV chỉ thường xảy ra nếu MSM ngưng sử dụng PrEP hoặc nếu họ không sử dụng nó đều đặn theo hướng dẫn sử dụng của các bác sĩ.

-         PrEP được dung nạp tốt, hiếm khi phải ngừng thuốc do tác dụng phụ.

Lưu ý gì khi sử dụng PrEP?

PrEP chỉ là một phần trong chiến lược dự phòng tổng thể HIV.

PrEP cần có thời gian để đạt được hiệu quả bảo vệ tối đa vì vậy cần sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục:

-         Sau 7 liều dùng đối với nhóm MSM

-         Sau 12 liều dùng đối với nhóm phụ nữ

-         PrEP không phòng được các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác ngoài HIV, vì vậy vẫn cần sử dụng bao cao su và chất bôi trơn trong các lần quan hệ tình dục

PrEP nên uống hàng ngày và theo hướng dẫn của bác sĩ.

Phản ứng phụ khi dùng PrEP đó là buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chóng mặt nhẹ và sẽ hết trong 1-2 tuần. Nếu kéo dài, nên gọi điện hoặc đến gặp bác sĩ ngay để được khám và tư vấn.

Triển khai PrEP tại BV Chuyên khoa 27 tháng 2

Ngày 16/06/2021, tại BV Chuyên khoa 27 tháng 2, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng tổ chức lớp tập huấn về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho các cán bộ phụ trách.

Ảnh 2. Tập huấn triển khai PrEP tại BV Chuyên khoa 27 tháng 2

Trong thời gian tới, BV Chuyên khoa 27 tháng 2 sẽ tiếp nhận tư vấn, khám, thực hiện xét nghiệm, điều trị và theo dõi cho nhóm người có nguy cơ cao và khách hàng có nhu cầu.

Chương trình được Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS hỗ trợ tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận các dịch vụ dự phòng đạt hiệu quả cao với chi phí thấp.

Tin: Tri Thị Ánh Tuyết

Tài liệu tham khảo: Bộ Y Tế Hướng dẫn dự phòng trước phơi nhiễm HIV- một chiến lược mới trong phòng chống HIV/AIDS

(https://www.moh.gov.vn/chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia/-/asset_publisher/7ng11fEWgASC/content/bo-y-te-huong-dan-du-phong-truoc-phoi-nhiem-hiv-mot-chien-luoc-moi-trong-phong-chong-hiv-aids?inheritRedirect=false)

Ảnh 1: sưu tầm

Ảnh 2: Tri Thị Ánh Tuyết

ĐĂNG KÝ KHÁM BỆNH

(Người bệnh có thể dùng điện thoại quét mã QR Code trên ảnh để Đăng ký khám bệnh)

Văn bản mới

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 10
  • Hôm nay: 468
  • Trong tuần: 3822
  • Tất cả: 1600406